Bây giờ là cuối năm, tuy mới vào Hè nhưng trời Melbourne đã rực nắng, hứa hẹn một mùa Hè cháy da phỏng trán… Vậy mà không biết từ hồi nào, chùa Hoa Nghiêm đã có cái lệ tổ chức những khóa tu Hè hàng năm! Có lẽ Thầy trụ trì đã nghĩ đến lợi ích của những phật tử đang đi làm?
Phần đông các Phật tử suốt năm quầng quật với hãng xưởng, cuối tuần ở nhà có biết bao công chuyện đang chờ, đi chùa thắp nhang lạy Phật còn không có thì giờ, nói chi đến cái chuyện tu học một vài ngày hay hai ba ngày… Chỉ có dịp vào hè, phần lớn hãng xưởng đóng cửa thì đông đảo Phật tử mới có thể tham gia các sinh hoạt của chùa. Và có lẽ Thầy cố ý tổ chức các khóa tu Hè này là để tạo điều kiện tu học đồng đều cho mọi người?
Những khóa tu Hè thường được kèm theo một vài buổi sinh hoạt ngoài trời, vị trí được chọn thường là trên núi hoặc trên rừng để các tu sinh có được những giây phút thưởng thức cuộc sống dã ngoại, hòa mình với thiên nhiên quên đi những lo âu phải có của cuộc sống hàng ngày.
Năm nay cũng không ngoài cái lệ đó, núi Dandenong có nhiều cây cổ thụ với tàn cao bóng mát lại im vắng, rất thích hợp cho các tu sinh quây quần để lắng lòng nghe các Thầy giảng pháp và ôn lại giáo lý Phật Đà. Cho nên địa điểm núi Dandenong luôn luôn được chọn ưu tiên như thường lệ. Hơn nữa, vùng núi Dandenong rộng bao la cho nên mỗi lần tu học là mỗi lần các tu sinh được dịp khám phá một vị trí mới với cảnh trí hấp dẫn…
Hôm nay là ngày đầu tiên của khóa tu năm nay, từ sáng sớm các tu sinh đã tề tựu lại trước sân chùa chờ tham dự thời kinh sáng, nhóm năm, nhóm ba thăm hỏi nhau đủ thứ chuyện từ chuyện nhà, chuyện sở làm, đến chuyện học hành của con cái… vì như đã nói, có người chỉ có cơ hội đến chùa trong dịp nghĩ Hè, ít gặp nhau, chừng gặp lại thì thiếu gì chuyện để trao đổi…
Như thường lệ, sau thời kinh sáng Thầy đọc lịch trình khóa tu và bảng phân chia công tác trước khi có hồi kẻng báo đến giờ ăn sáng. Trong dịp này Thầy cũng báo trước cho biết là theo tin dự báo thời tiết thì hôm nay trời sẽ rất nóng, vì vậy buổi sinh hoạt trên núi chỉ nên kéo dài đến trưa rồi trở về chùa chớ không ở suốt ngày trên núi như mọi năm…
Sau giờ ăn sáng, đoàn xe gần chục chiếc được dẫn đầu bằng chiếc xe “van” của chùa do Thầy lái trực chỉ hướng núi Dandenong… Địa điểm tu lần này được Thầy chọn là một công viên, cũng cây to bóng mát nằm trên lưng chừng đường vào núi, chứ chưa lên đến vùng núi cao, chỉ 20 phút sau đoàn xe đã đến địa điểm…
Công viên là một khoảng đất rộng thênh thang, có nhiều cây cổ thụ cành lá sum sê đan vào nhau che mát một thảm cỏ xanh rộng lớn, lại còn có một con đường đi bộ rất thích hợp cho giờ thiền hành….
Từ trên địa điểm tu học nhìn xuống là một thung lũng cỏ xanh thật đẹp, thấp thoáng ở xa xa là màu trắng bạc của một dòng nước từ trên cao đổ xuống làm thành một con suối nhỏ dưới chân đồi. Đó đây những cây phong cao vút tuy chưa vào Thu nhưng đã có một số lá biến thành màu vàng hay nâu đỏ chen vào giữa màu xanh cây rừng… lại thêm những dây leo lá to màu tím đậm, tạo thành những nét chấm phá của một cảnh trí thật tuyệt vời…
Chương trình tu học được tiến hành như thường lệ… Mặt trời vươn lên cao hơn, ánh nắng không còn dịu mà đã nóng dần… Thầy chọn một khoảng trống dưới tàn cây to nhất và các tu sinh ngồi xếp thành vòng tròn dưới gốc cây đó để nghe các Thầy giảng Pháp. Thầy trụ trì mở đầu các thời pháp bằng những lời khích lệ và nói lên sự lợi ích của những buổi tu học ngoài trời, chỉ có ngồi giữa khung cảnh bao la im vắng của núi rừng như thế này con người ta mới dễ buông thả thân và tâm, mà một khi cái tâm con người ta được buông thả để trở thành rỗng rang thì mới dễ dàng giao tiếp với thiên nhiên, dễ tiếp thu và khám phá những khía cạnh sâu xa của giáo lý Phật Đà…
Tiếp theo đó, các Thầy thay nhau giảng những bài pháp ngắn và giải đáp những thắc mắc của các tu sinh…. Nghe Thầy nói, chúng tôi cảm nhận được tình thương và sự lo lắng của quý Thầy đối với hàng Phật tử chúng tôi. Các Thầy là những người đại diện cho Ðức Phật đã và đang dạy dỗ chúng tôi, dìu đắt chúng tôi từng bước trên con đường tìm về bờ giác.
Phật tử chúng tôi như những đứa con từ muôn kiếp đã phiêu bạt trong bể khổ nguồn mê, chìm sâu trong luân hồi lục đạo, sinh tử, tử sinh nối nhau không dứt… Chúng tôi sống trong màn đen vô minh, lấy khổ làm vui nên không nghe được tiếng gọi quay đầu của Ðức Từ Phụ, không nghe được những lời dạy thiết tha từ lòng nhân ái của mẹ hiền Quan Thế Âm…
Các Thầy là những người đã và đang khơi dậy trong chúng tôi dòng suối mát tình thương Phật Đà mà chúng tôi chỉ đón nhận tận hưởng được trong hoàn cảnh thân thảnh thơi và tâm trống vắng, không vướng bận những toan tính cho cuộc sống như thế này… Tôi hít một hơi thật đài để cho cái cảm giác an lạc đó tràn ngập tận chiều sâu của tâm tư, đồng lúc tôi lại muốn đem cái cảm giác đó để chia xẻ với mọi loài…
Nhìn những chiếc lá lay động trong cơn gió nhẹ thoảng qua tôi có cảm tưởng như chúng đang vui với cái vui thầm kín từ trong tâm tưởng tôi, tôi thầm cám ơn những chiếc lá xanh đã cho bóng mát yểm trợ cho buổi tu học này…
Tới giờ đi thiền hành, chúng tôi được Thầy hưóng dẫn đi men theo sườn đồi xuống phía dưới nơi có con suối nhỏ ẩn mình sau đám cây xanh…. Ôi tuyệt làm sao… dòng suối nhỏ nhưng nước chảy rất mạnh có lẽ do độ dốc từ nguồn cao ở đâu đó trên đỉnh núi. Nước bắn tung tóe khi vướng những tảng đá to nằm rải rác dọc theo lòng suối, hơi nước bốc lên làm thành một màn sương mờ cho người ta dễ liên tưởng đến cảnh trí trong những câu chuyện thần tiên…
Trước khi đi thiền hành Thầy đã có dặn là hãy cố giữ chánh niệm trong mọi hoàn cảnh nhưng nào có được đâu, tôi đã buông thả cho tâm trí lập lờ trôi theo làng mây bạc đang ôm trọn đỉnh núi để tìm về với dĩ vãng hồi nào mà tôi không hay…
Đó là những ngày hè của tuổi học trò… Xa quê, đi học ở tỉnh thành cho nên hàng năm đến kỳ Hè là chúng tôi háo hức xếp cặp vở trở về làng… Ngoài cái chuyện được Ba Mẹ cưng chiều, được cho ăn những món khoái khẩu do chính tay Mẹ nấu, còn được cùng chúng bạn lang thang trên đồi tìm hái những trái “dú dẽ” và những trái sim chín màu tím thẩm, hay ngắt bông “móng bò” màu tím hoa cà vắt lên mái tóc, giả làm cô dâu trong ngày cưới…
Làng tôi dựa lưng vào núi cao, gần như quanh năm có mây bao phủ, còn ngoài kia là biển khơi mà bờ biển buổi sáng thường rộn ràng với sinh hoạt của dân chài. Có những buổi chiều trời dịu mát, bọn trẻ chúng tôi leo lên đồi tìm đến một tảng đá thật to cùng nằm ngửa mặt, nhìn lên những đám mây trôi lờ lững rồi tưởng tượng ra đủ thứ hình thù có khi rất ngộ nghĩnh, có đám mây giống hình những con vật, có đám mây giống người đàn bà có xỏa tóc…v…v…
Đặc biệt, vào những hôm trời trong, không mây, chúng tôi có thể nhìn thấy về phía Nam xa xa là hòn vọng phu, hiện rõ ràng vóc dáng người đàn bà bế con nhìn mông lung ra hướng biển… Ngày đó mỗi khi nhìn được tượng đá vọng phu, người đàn bà chung tình đang bế con trông chồng, lòng tôi dâng lên một mối cảm xúc rất kỳ lạ, nhứt là khi nhỏ bạn nằm kế bên hát lên khe khẽ bài “Hòn vọng phu”! Mối cảm xúc đó vương vấn trong tôi mãi cho đến sau này…
Biến cố 75 xảy ra, chồng tôi đi tù, mẹ con tôi sống trong cảnh khổ cùng cực của kiếp người và tôi đã ước ao được biến thành đá như người đàn bà trong huyền thoại đó… Tôi nghe nói, vào cái thời xa xưa, phương tiện xe cộ còn hiếm hoi, làng quê tôi mùa mưa thì làm rẫy, mùa nắng thì làm muối, cho nên họ thường tổ chức những đoàn ghe chở muối xuôi Nam bán cho các tỉnh. Hồi đó ghe thuyền không có máy chỉ chèo tay hay chạy bằng bườm cho nên mỗi lần ghe thuyền đi ngang qua hòn núi vọng phu thì họ thường ngâm lên mấy câu với âm hưởng nửa như van xin nửa như chào hỏi: Lạy bà, bà thổi gió Đông, cho ghe tôi chạy (tôi) chỉ ông cho bà. Hay là: Lạy bà, bà thổi gió nồm, cho ghe tôi chạy (tôi) dò tìm ông cho….
Nói là đi thiền hành mà tôi đã buông mất chánh niệm, đầu óc cứ miên man về cảnh cũ làng xưa cho đến khi chân bước theo đoàn người đã xuống đến chân đồi cạnh bờ suối, tiếng nước suối tuôn đã kéo tôi về với thực tại… Ôi! Tôi phải sám hối cách nào đây…?
Tôi thấy Thầy đứng lại chỉ tay xuống dòng suối đang chảy xiết và nói với một chị đi bên cạnh:
– Chị nghĩ coi, nếu con người nhỏ như con kiến thì làm sao qua được bên kia bờ suối?
Không nghe chị kia trả lời nhưng riêng tôi, khi nghe Thầy hỏi như vậy tôi lại chạnh lòng nghĩ về thân phận mình….mà cũng có thể là thân phận của một số Phật tử. Thân phận bé bỏng của con kiến mà muốn qua được bờ bên kia của con suối với dòng nước đang chảy xiết này thì thật là một điều không thể… Có khác gì chúng ta đã bao đời bao kiếp quen thói lang thang tìm vui ở bờ bên này, đâu có biết rằng Đấng Từ Phụ ở bờ bên kia đang vẩy gọi mà chúng ta lại làm ngơ… Tới chừng nghe được tiếng gọi và ý thức được lời giáo hóa thiết tha của Ngài, giựt mình tỉnh ngộ muốn tìm về bờ giác ở bên kia với Ngài thì thật là thiên nan vạn nan. Vì sao? Vì theo như lời Phật dạy, từ lâu đời lâu kiếp, chúng sinh đã bị mê mờ, luôn theo đuổi và tìm cầu những niềm vui của thế tục, đâu có biết rằng tất cả chỉ là giả tạm, những cái mà chúng ta gọi là vui, gọi là sung sướng là hạnh phúc đó luôn luôn ẩn chứa mầm móng của khổ đau… Muốn giàu sang sung sướng thì phải trả một giá nào đó bằng sự lao tâm lao lực, có khi quên ăn mất ngủ. Muốn đạt được hạnh phúc trong cuộc sống của thế gian thì phải đấu tranh mới giành lấy được nhưng một khi đã được rồi thì nó lại không phải là vĩnh cữu, sẽ mất đi trong một lúc nào đó kéo theo sự đau khổ vì mất mát…
Cũng may, Đấng Từ Phụ đã biết trước nên đã ân cần trao truyền cho chúng ta pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn mà từ lớn đến nhỏ, từ già tới trẻ ai tu tập theo cũng được. “Lục tự Di Đà” chỉ gồm có sáu chữ nhưng lại là chiếc bè được kết tinh bằng Phật lực, có khả năng đưa chúng ta vượt sóng gió để đến được bến bờ cực lạc, nơi đó Đức Phật A Di Đà đang chờ đón với lòng thương bao la, cũng giống như con kiến nhỏ vớ được chiếc lá khô làm phương tiện băng ngang qua dòng suối, chỉ cần một sự kiên trì không thối chuyển….
Rồi chút nữa đây trở về chùa kiểm công cứ, tôi nguyện với lòng sẽ tinh tấn hơn để không phụ lòng các Thầy. Trân trọng cảm ơn quý Thầy đã thay Đức Từ Phụ trao truyền cho chúng con chiếc bè vạn năng…. “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”
Diệu Ngọc