Từ hôm trước Tết Đinh Hợi (2007) vài tháng cho đến nay, những ai có dịp ghé chùa Hoa Nghiêm và nếu đi vào chánh điện bằng cửa hông sẽ thấy trên cửa hai bên hông của chánh điện có dán cái “Thông báo” nho nhỏ nhưng cũng gây được sự chú ý của mọi người. Nội dung thông báo như sau:
Kinh hành niệm Phật mỗi sáng chủ nhựt từ 8giờ đến 9 giờ 30
Nhớ lại….. Một buổi thiền trà ở khóa tu tịnh nghiệp cuối Đông vừa rồi, trong bầu không khí trang nghiêm của ngôi chánh điện rộng thênh thang, dưới ánh nến lung linh, các Thầy cùng các tu sinh nhâm nhi chung trà và giải đáp thắc mắc cùng trao đổi những kinh nghiệm tu học một cách thật cởi mở và vui vẻ…
Thắc mắc về Phật pháp thì nhiều nhưng tất cả đều được các Thầy giải đáp một cách thoả đáng. Rồi có lẽ bầu không khí cởi mở đó đã khiến cho một tu sinh mạnh dạn đưa ra ý kiến đề nghị Thầy trụ trì mở một thời khóa niệm Phật vào cuối tuần, khoảng một tiếng hay hai tiếng vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật.
Tu sinh đó đã đưa những lý do: (lượt thuật đại ý) Ngôi chùa của chúng ta đã yên ổn về mặt xây dựng hình thành, sinh hoạt của nhà chùa đã trở lại bình thường và đã thích nghi với cơ sở mới, ngôi chánh điện rộng nhưng không thiếu vẻ uy nghi và trang nghiêm.
Thông thường, hễ nói tới tu Phật thì người ta nghĩ đến đi chùa tụng kinh và niệm Phật. Các Phật tử đã tề tựu về chùa tụng kinh Pháp Hoa hàng ngày vào mỗi chiều và nghe Thầy thuyết pháp mỗi sáng Chủ nhựt nhưng còn thiếu một thời khóa niệm Phật! Có lẽ vì vậy mà thời gian gần đây có một số Phật tử đã phải tìm tới với nhau để tổ chức niệm Phật tại nhà ít nhứt là một tiếng đồng hồ vào một trong hai ngày cuối tuần… Tuy số đó không nhiều nhưng cũng nói lên một nhu cầu trong việc tu tập, nói chung… Cho nên tu sinh đó đề nghị Thầy xét nghĩ đến việc tổ chức một “Đạo Tràng Niệm Phật”, biến chánh điện chùa thành một “Niệm Phật Đường” ít nhứt một tiếng đồng hồ vào cuối tuần để tạo cơ hội tu tập đồng đều cho mọi người Phật tử.
Sau khi tu sinh đó dứt lời, mọi người rất ngạc nhiên và vui mừng vì sự đáp ứng nhanh chóng của Thầy. Thầy cho biết, Thầy cũng đã có nghĩ tới việc này nhưng vì còn một vài khó khăn chưa có cách giải quyết cho nên Thầy còn đang suy tính….
Trong đám tu sinh có một người hình như đã hiểu được cái khó khăn của Thầy nên đã lên tiếng nói rằng, chúng con cũng biết lịch trình sinh hoạt hàng ngày trong tuần của Thầy rất là bận rộn, cho nên chúng con xin Thầy cố gắng hướng dẫn chúng con, khi đã vào nề nếp rồi nếu Thầy có bận thì chúng con sẽ tự lo được….
Thầy đã làm cho mọi người vui và ngạc nhiên lần nữa bằng câu đáp:
– Vậy thì muốn chừng nào bắt đầu?
Có vài người vì vui mừng đã nhanh nhẩu:
– Thưa Thầy ngay cuối tuần này…
Thầy đáp:
– Được, vậy thì thông báo cho các vị khác biết sẽ kinh hành niệm Phật mỗi sáng chủ nhựt từ 8giờ đến 9giờ 30.
Vậy là “Đạo Tràng Niệm Phật” chùa Hoa Nghiêm được khai sinh từ đó, hai cái thông cáo nho nhỏ đã được dán lên cửa hai bên hông chánh điện cũng có thể được coi như một quy định cho thể thức gia nhập đạo tràng, cho đến nay cũng được gần năm tháng và các Phật tử tham gia càng ngày càng đông…. Làm cho không khí sinh hoạt của chùa vào ngày Chủ nhựt vốn dĩ đã nhộn nhịp vì các lớp học Việt ngữ của các em nhỏ lại càng nhộn nhịp hơn…
Thật không còn hình ảnh nào đẹp hơn là nhìn đoàn người với vẻ mặt nghiêm trang, chân chậm bước đều nhịp theo Thầy trong tiếng khánh, tiếng mõ… và cứ ba tiếng niệm một tiếng chuông vang lên lớn đủ để duy trì một sự tỉnh thức trong lòng mọi người để mọi người luôn hướng tâm tư về hình ảnh đại từ đại bi của đức A Di Đà Phật.
Họ là những đứa con lạc loài từ muôn kiếp, nổi trôi trong biển sinh tử luân hồi nay thật sự muốn tìm đường về nhà, muốn nép mình dưới bóng từ bi của đấng cha hiền sẵn sàng tiếp dẫn từng đứa con lưu lạc…
Còn ai chẳng ấm lòng yên dạ khi biết chắc rằng một khi họ nhất tâm cất lên tiếng gọi thiết tha “Nam Mô A Di Đà Phật” thì lúc lâm chung họ sẽ không còn lẻ loi trong cảnh bơ vơ lạc lõng như muôn kiếp đã qua…. Nay họ đã biết đường về, biết cha lành đang chờ đợi với lòng tha thiết, trong họ sẽ ngập tràn niềm vui…. và chúng tôi nghĩ rằng, dù không nói ra nhưng mọi người làm sao khỏi mang cái tâm trạng thầm cám ơn Thầy đã khai sinh ra cái đạo tràng này….
Từ khi biết chút ít về Phật pháp, tìm hiểu và biết được ít nhiều về đường lối tu tập cũng như hiểu được lờ mờ về mục đích rốt ráo của các pháp môn tu, chúng tôi nhận ra rằng đối với người căn cơ thấp kém và trí hiểu biết hạn hẹp như chúng tôi thì việc hành trì niệm Phật, niệm “Lục Tự Di Đà” thật là thích hợp…
Hơn nữa, chúng tôi cũng biết, xưa kia Đức Phật ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề và đã trở thành “Bậc Toàn Giác”. Với trí hiểu biết siêu tuyệt sau khi giác ngộ, Ngài đã thấu hiểu cái tướng chân thật của vạn vật trong vũ trụ, thấu hiểu được cái chân lý độc nhất vô nhị trong trời đất vũ trụ, đó là chân lý về “TÁNH KHÔNG“.
Ngài muốn đem sự hiểu biết đó chia xẻ với mọi người nhưng than ôi! Ngài biết rõ ràng rằng nếu Ngài nói điều đó ra thì chỉ có chư Phật tức là những người đã đạt được cái trí siêu tuyệt như Ngài thì mới hiểu được, ngoài ra không ai có thể hiểu được!
Trong Kinh Pháp Hoa, ngay đoạn đầu của phẩm “Phương Tiện” thứ 2 (bản dịch của Thầy Thích Trí Tịnh) Đức Phật đã bảo ngài Xá-Lợi-Phất: “Trí tuệ của các đức Phật rất sâu vô-lượng, môn trí tuệ đó khó hiểu khó vào, tất cả hàng Thanh Văn cùng Bích Chi Phật đều không biết được….” Và: “…. Vì pháp khó hiểu ít có thứ nhất mà Phật trọn nên đó, chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chân thật của các pháp……”
Sau đó Phật còn nói thêm:
“Pháp đó không phải là suy lường phân biệt mà có thể hiểu, chỉ có các đức Phật mới hiểu được đó…..”
Như vậy thì người như chúng tôi làm sao và chừng nào mới hiểu được cái ý rốt ráo của lời Phật dạy? Và chừng nào mới đạt được sự giác ngộ như Ngài? Nhưng may mắn thay, vì trước khi giác ngộ Phật cũng là một chúng sanh như chúng ta cho nên Phật hiểu rõ căn tính của chúng sanh trí mỏng lòng hẹp không thể nào tu và đạt được một sự hiểu biết như Ngài cho nên Ngài đã chỉ cho chúng ta một chọn lựa thứ hai trên con đường tu: Đó là phương pháp niệm Phật, pháp môn Tịnh Độ. Niệm Lục Tự: NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Nhứt tâm trì niệm sáu chữ đó, lòng tha thiết tưởng tới Phật A Di Đà, cầu Ngài tiếp độ vãng sanh về cõi “Cực Lạc” của Ngài để trước hết là thoát khỏi sáu nẻo luân hồi và sau đó với hoàn cảnh thuận lợi ở cõi Cực Lạc, có đủ phương tiện mới có thể tiếp tục tu cho đến khi đạt thành Chánh Giác.
Qua trích đoạn kinh Pháp Hoa nêu trên và qua suy nghĩ như vậy chúng tôi mới hiểu được tại sao khi chúng ta đi chùa tụng kinh niệm Phật, thường khi niệm danh hiệu đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thì niệm kèm theo danh hiệu “Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát” và “Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát“.
Đó có phải các Cổ Đức ngầm nhắc cho chúng ta nhớ rằng, con đường tu theo Phật rất là khó, rất gian nan, muốn tu theo Phật thì phải tu như thế nào để tự tạo cho mình một cái gọi là “đại trí“.
Vì sao? Vì phải có cái đại trí huệ thì mới mong hiểu thấu được ý nghĩa thâm sâu trong lời Phật dạy để khỏi đi lầm đường. Trau dồi để tạo cái đại trí đó bằng cách nào? Bằng tụng kinh, nghe pháp, đọc và nghiên cứu các sách giáo lý để cái trí nhỏ nhoi của chúng ta được mở ra dần… và nhứt là nguyện cầu Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hộ trì cho chúng ta được khai mở trí huệ… Vì Ngài là hiện thân của căn bản trí? Thế nhưng có cái đại trí không thôi vẫn chưa đủ mà chúng ta còn phải học và thực hành cho được cái hạnh khuyến tu, sách tấn các bạn đồng tu, tức là tập theo cái hạnh “phổ độ chúng sanh” của ngài Phổ Hiền Bồ Tát? Đồng thời cầu nguyện Ngài hộ trì cho chúng ta….
Hãy nghe Hòa Thượng Thích Trí Quảng nói về hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát trong bài viết “Phổ Hiền Hạnh Nguyện”:
“Ngài khuyến khích mọi người cứ lo tu, Ngài sẵn sàng ủng hộ. Nói suông thì không ai nghe, đi một mình họ cũng không nghe, nên Phổ Hiền đi với vô số Bồ Tát, bát bộ thiên long, đến đâu cũng rãi hoa trời. Ngài biểu dương thế lực mạnh như vậy cho chúng ta yên tâm tu hành”.
Bản thân tôi tu được cũng nhờ niềm tin vững chắc nơi Phổ Hiền và cảm nhận được lực gia bị của Ngài giúp tôi vượt qua nhiều chướng nạn trên đường hành đạo. “Phổ Hiền cho biết ai tu bị ma phá, Ngài sẽ dùng thần thông lực bắt ma hộ trì Phật pháp. Thay vì chống ta, lực Phổ Hiền buộc họ phải theo ta, định nói xấu thì có lực Phổ Hiền ngăn cản.”
Tóm lại, tu Phật rất khó, muốn tu theo Phật thì cần phải có trí tuệ và đức hạnh mà Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát là hai biểu tượng chúng ta cần noi theo và luôn cầu nguyện sự gia hộ của hai Ngài….
Lại nữa, theo chúng tôi nghĩ, con đường tu Phật là con đường thiên lý, đi hết con đường sẽ hưởng được sự giải thoát huy hoàng nhưng đường đi quá khó, chừng nào mới tới được đây? Chỉ sợ đi chưa tới nơi mà sức tàn lực kiệt theo thời gian rồi vô thường đến, ngã quỵ giữa đường thì công lao tu hành tiêu thành mây khói sao?
Nói cách khác, tu theo Phật như người vượt biển, tuy không thấy, nhưng biết rõ rằng ở đâu đó trong chốn mịt mờ trước mặt là bờ, chúng ta cố gắng vượt qua. Tinh thần và nghị lực có đủ nhưng thân xác này sẽ do vô thường mà biến đổi theo thời gian rồi khi chưa đến được bờ mà sức vóc đã hao mòn, buông phí công lao một đời trôi theo giòng nước hay sao?
Chúng tôi nghĩ rằng, là một “Bậc Toàn Giác”, Đức Phật đã thấu suốt tâm địa của chúng sanh và vì thấu hiểu điều đó cho nên Ngài đã truyền trao Pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật A Di Đà! Pháp môn Tịnh Độ đối với người tu Phật không khác cái phao đối với người vượt biển. Mặc dù đường bơi qua đến bờ bên kia xa xăm vợi vợi nhưng bên mình còn có cái phao, mọi bất trắc xảy ra chỉ cần níu phao thì cũng về tới bến….
Cũng vậy, theo chúng tôi nghĩ, tuy tu Phật là khó nhưng trên đường tu chúng ta biết nhứt tâm trì niệm “Lục Tự Di Đà” thì không khác nào người vượt biển níu chặt phao bên mình!? Nghĩa là, tuy con đường noi theo chân Phật tìm về bến giác đối với chúng ta quá xa xăm nhưng nếu chúng ta không buông lơi sáu chữ “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” thì dù cho vô thường có quật ngã giữa đường thì Phật A Di Đà với 48 điều nguyện và các Thánh chúng sẽ tiếp dẫn chúng ta về nơi quốc độ của Ngài để rồi ở đó với những hoàn cảnh thuận lợi để chúng ta tiếp tục nghe pháp và tiếp tục tu cho đến khi thành chánh quả.
Theo lời Phật dạy, một khi chúng ta đã được rước về cõi nước của Phật A Di Đà rồi thì sẽ không bao giờ bị kéo trở vào lục đạo luân hồi, tức là thoát cảnh khổ của sinh già bệnh chết…??
Thế nhưng, tu theo pháp môn niệm Phật mà muốn được tròn đầy ý nghĩa và chắc chắn viên mãn chúng ta còn phải tuân thủ hai điều kiện:
THỨ NHẤT: Phát khởi và luôn mở rộng tâm từ bi, phải biết cứu hộ tất cả chúng sanh với tâm bình đẳng, không phân biệt, như gương sáng của Đức Quán Thế Âm tức là chỉ cần nghe tiếng than ở đâu thì hiện thân ở đó để ban vui diệt khổ trong tinh thần bình đẳng tuyệt đối. Chúng ta cứu giúp mọi người với tâm phân biệt, người này tốt đáng giúp, người kia xấu không giúp hết lòng…. Hay là ngay khi thấy một con vật lâm vào cảnh đau khổ chúng ta liền phát tâm phân biệt, loài này sống đem lại lợi ích cho con người đáng thương đáng cứu, loài này sống làm hại không nên cứu…. Nhưng các Bậc Bồ Tát sẽ không phân biệt như vậy, các Ngài coi tất cả chúng sanh đều bình đẳng, đều có nhu cầu thoát khổ như nhau….
THỨ HAI: Chúng ta phải có một ý chí sắt đá, kiên cường và tin tưởng mãnh liệt vào uy lực tuy vô hình nhưng không phải là ảo tưởng của Đức A Di Đà mà vị Bồ Tát biểu trưng cho ý chí sắt đá và và lòng kiên cường tinh tấn đó là Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát. “Tôi nhờ pháp môn Niệm Phật mà đắc viên thông. Nếu người nào y theo phương pháp này tu hành thì khả dĩ cũng đắc viên thông.” Là lời đức Đại Thế chí đã nói, trích từ kinh Lăng Nghiêm. (trong chương “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông.”)
Có lẽ vì vậy mà các Tổ Sư Tịnh Độ đã đặt ra ba nguyên tắc mà người tu Tịnh độ niệm Phật cần phải theo, đó là: TÍN – HẠNH – NGUYỆN.
Theo đó thì người tu niệm Phật cần khởi lòng tin vững chắc là có cõi “CÕI CỰC LẠC“, có “PHẬT A DI ĐÀ” và có các Thánh Chúng sẵn sàng đón chúng ta về đó nếu chúng ta biết trì niệm danh hiệu Ngài cho dù mười niệm hay chỉ một niệm nhứt tâm.
Nhưng than ôi… Có không ít người theo ngoại đạo thường chất vấn chúng ta rằng: “Cõi Cực Lạc có thực không và ở đâu? ” Về vấn đề này, với trí hiểu biết còn nông cạn, chúng tôi nghĩ rằng:
Chúng ta đã là Phật tử, tức là những người đã chọn cho mình con đường tu theo Phật thì chúng ta đã có sẵn và có thừa lòng tin đối với Phật, với Pháp, với Tăng.
– Phật là người đã tu và đã giác ngộ, điều đó có thật.
– Pháp của Phật thuyết giảng là có thật và có nhiều, thật nhiều người nghe chớ không phải chỉ một vài người, điều đó có thật.
– Tăng đoàn gồm những người đệ tử xuất gia của Phật và theo Phật trên đường hoằng hóa, số đó đông không thể kể và điều đó cũng có thật. Như vậy thì Phật nói Cõi Tịnh Độ là thật có và Phật còn dạy chúng ta tu như thế nào để khi hết kiếp thì được về đó…
Những điều đó còn lưu lại trên giấy, trong kinh, lẽ nào chúng ta mang danh là Phật tử mà lại không tin những lời Phật nói? Tức là không tin Phật? Chúng ta niệm Phật cầu nguyện để khi nhắm mắt lìa đời được vãng sanh về cõi an lạc tuyệt vời của Phật A Di Đà, mà cõi đó là có thật như lời Phật Thích Ca đã nói…..
Niệm Phật đến độ nhất tâm tức là đã trở về được với “Bản Tánh Thanh Tịnh” mà bản tánh thanh tịnh thì bao trùm mười phương cõi chớ không riêng gì một cõi Cực Lạc!? Nhưng nếu chúng ta chưa đạt được nhất tâm, tức là tâm hãy còn chưa hoàn toàn thanh tịnh mà “vô thường” đã tới thì với 48 lời nguyện độ sanh Đức A Di Đà sẽ tiếp đón chúng ta về cõi nước của Ngài. Chỉ cần chúng ta phát tâm tha thiết trì niệm danh hiệu Ngài….
Hơn nữa, chúng tôi còn tự nghĩ và tự nhủ rằng…. Là một Phật tử, dù tu theo pháp môn nào đi nữa thì khi nhắm mắt xuôi tay cũng được đưa về chùa tụng kinh niệm Phật cầu vãng sanh!? Vậy tại sao không niệm Phật ngay bây giờ??
Sau hết, riêng chúng con xin cám ơn quý Thầy đã chỉ dẫn cho chúng con, cám ơn cuộc đời đã đưa đẩy chúng con đến đây và mừng thay chúng con đã chọn đúng đường cho hướng đi tâm linh, con đường tu theo Phật….
Và dù biết con đường này đầy gian nan nhưng chúng con vẫn yên lòng chậm bước vì chúng con biết chắc Đức Từ Phụ A Di Đà Phật đang chờ đón không riêng gì ai mà tất cả hàng Phật tử quyết tâm trì niệm danh hiệu Ngài…
Chúng con nguyện đem tất cả những chuỗi ngày còn lại của kiếp này để lo tu học và thực hành giáo lý Phật cho dù trong muôn một… Nguyện cầu ơn trên Tam Bảo hộ trì cho đạo tràng niệm Phật chùa Hoa Nghiêm ngày càng tinh tiến.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Minh Liên – Diệu Ngọc